PCI 2023: 19 NĂM NỖ LỰC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
28/05/2024Phát biểu khai mạc Lễ Công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023 là ấn phẩm thường niên do VCCI thực hiện nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
Lễ Công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 9/5.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Chủ tịch VCCI, báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023 ghi dấu hành trình 19 năm VCCI xây dựng và công bố Chỉ số PCI và năm thứ 2 công bố Chỉ số PGI. Đây là kết quả cụ thể và thiết thực của VCCI trong việc thực hiện các chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng và gần đầy là cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững, công bằng xã hội và phát triển nền kinh tế xanh và trung hòa carbon.
“Đặc biệt, đây chính là một hoạt động quan trọng của VCCI để triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, mà trực tiếp nhất là nhiệm vụ: “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.””, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Theo đó, trong báo cáo PCI năm 2022 đã đưa ra dự liệu năm 2023 là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp. Đồng thời đã phản ánh những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi coi đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
“Thực tế trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ và các nhiệm vụ được Chính phủ phân công về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Cùng với đó, kết quả khảo sát phản ánh trong Báo cáo PCI và PGI 2023 đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết doanh nghiệp nhận thấy những chuyển biến tích cực trong công tác điều hành của chính quyền các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, thứ nhất, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.
Thứ hai, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.
Thứ ba, chi phí không chính thức cũng tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.
Thứ tư, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho biết, báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, thứ nhất, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khá khả quan, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống còn 42,3%.
Thứ hai, gánh nặng thực thi quy định của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian, với tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế giảm xuống 16% so với mức 27% năm 2022, đây là mức giảm cao. Thủ tục về bảo hiểm xã hội đã giảm từ 15% năm 2022 xuống còn 8% năm 2023.
Thứ ba, cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức.
Thứ tư, nhiều doanh nghiệp FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là mức từ 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.
“Xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời là một chỉ báo quan trọng về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện”, Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định.
Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công cũng thẳng thắn chỉ ra, báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm.
“Từ phản ánh của doanh nghiệp, có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các DNNVV, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Đồng thời cho biết, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Những khó khăn chủ yếu bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Về nỗ lực của các tỉnh thành phố trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI chúc mừng các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2023.
Các đại biểu tham dự Lễ công bố báo cáo PCI và PGI 2023.
“Chúc mừng tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục giành vị trí quán quân năm thứ bảy liên tiếp. Chúc mừng Long An đã có tiến bộ vượt bậc để xếp ở vị trí thứ hai. Chúc mừng Hải Phòng, Bắc Giang và Đồng Tháp tiếp tục duy trì các hoạt động cải cách hiệu quả. Chúc mừng các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang và Phú Thọ đã có những nỗ lực đáng trân trọng để nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố thuộc nhóm dẫn đầu”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Đồng thời chúc mừng tất cả các địa phương khác trong cả nước đã đều đã có những cố gắng nhất định trong một năm mà hoạt động điều hành kinh tế cấp tỉnh đối diện rất nhiều thách thức.
PGI - thước đo phát triển bền vững
Đặc biệt, ông Phạm Tấn Công khẳng định, hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) vào năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay. Việt Nam đã có nhiều chính sách và quy định pháp luật thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, xanh hơn, giảm phát thải hơn.
Để thực hiện các chủ trương quan trọng mới của Đảng và Nhà nước liên quan tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, VCCI đã thí điểm xây dựng chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI năm 2022. Năm 2023, đã hoàn thiện phương pháp luận và công bố chính thức chỉ số PGI trong sự kiện ngày hôm nay.
Chủ tịch Phạm Tấn Công chúc mừng các tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI 2023 là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và TP. Hồ Chí Minh. Một số tỉnh, thành phố khác trong TOP 10 của Chỉ số PGI 2023 là Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam và Vĩnh Long.
Chủ tịch VCCI tin tưởng chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
“Với việc xây dựng và công bố PGI bên cạnh chỉ số PCI, VCCI mong muốn các địa phương tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ đồng thời quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Cho biết năm 2024 đã được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, ông Phạm Tấn Công cho biết, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/1/2024, Chính phủ đã xác định chủ đề năm là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”. Chính phủ đã ban hành trở lại Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, với mục tiêu “cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp”.
“Những chỉ đạo chính sách quan trọng này đang được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được chính quyền các địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả để góp phần quan trọng, thậm chí là quyết định tới việc thực hiện các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch VCCI kỳ vọng.
Với mong muốn truyền tải thông điệp và cũng là niềm tin vào sự chuyển mình mạnh mẽ của môi trường kinh doanh Việt Nam theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường, VCCI đã chọn bức tranh “Sức Xanh” của họa sỹ Phạm An Hải làm chủ đề của báo cáo PCI và PGI và Lễ Công bố năm nay.
Đã có trên 185.000 doanh nghiệp trong cả nước suốt 19 năm qua đã chung tay với VCCI thực hiện báo cáo PCI.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và nỗ lực nhiều hơn để “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến” như Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời dành lời cảm ơn cho lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, trên 185.000 doanh nghiệp trong cả nước suốt 19 năm qua đã chung tay với chúng tôi trên hành trình cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cảm ơn Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID đã đồng hành với VCCI trong suốt hành trình này. Cảm ơn Công ty cổ phần dược phẩm PharmaCity và Công ty trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam đã đóng góp thêm nguồn lực cho một số hoạt động của chúng tôi trong năm 2023.
“Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cam kết luôn đồng hành cùng các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức vì niềm tin và hy vọng về sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam với mục tiêu là nước có thu nhập cao, phát triển xanh và bền vững”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Nguồn: http://ipc.tuyenquang.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-dau-tu/pci-2023-19-nam-no-luc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-999.html